Cư dân thành thị tại Nhật Bản hiện có nhu cầu cao muốn nhận được lời khuyên, tư vấn từ những người lớn tuổi thông tái. Tuy nhiên, đồng nghiệp hay thành viên gia đình không phải là lựa chọn ưu tiên của họ bởi sự quen thuộc.
Việc chia sẻ tâm tư, băn khoăn với người lạ để nhận lời khuyên được cho hợp lý hơn và dễ thực hiện hơn. Đây chính là cơ sở để ông Takanobu Nishimoto (50 tuổi) khi thành lập dịch vụ “Ossan cho thuê” từ năm 2012.
Kênh CNN (Mỹ) dẫn lời ông Takanobu Nishimoto cho biết khi chia sẻ và nhận lời khuyên từ người lạ tại một quán cà phê đồng nghĩa với việc bạn sẽ không phải gặp lại người đó. Khách hàng của ông Nishimoto thường lo lắng khi chia sẻ với người thân bởi câu chuyện của họ có thể không được giữ bí mật.
Đó là khi những người như ông Ken Sasaki (48 tuổi) xuất hiện và làm công việc lắng nghe tâm tư, gỡ rối tâm lý cho khách hàng. Ken Sasaki sẵn sàng để mọi người thuê ông với mức giá 1.000 yên (hơn 200.000 đồng) một giờ cho các mục đích khác nhau – ngoại trừ liên quan đến đụng chạm cơ thể.
Ông Nishimoto cũng cho biết trong xã hội Nhật Bản hiện đại với nền văn hóa thay đổi nhanh chóng, các ossan dần không còn được tôn trọng bởi giới trẻ. Bản thân ông Nishimoto đã chứng kiến cảnh nữ sinh trung học chế nhạo nam giới trung niên trên tàu điện ngầm. Do vậy, ông Nishimoto mở dịch vụ cho thuê các ossan để giành lại “thanh danh” cho đàn ông trung niên.
Giáo sư Santa Barbara chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản đương đại tại Đại học California (Mỹ) cho biết hình mẫu lý tưởng về đàn ông ở quốc gia Đông Á này là “thu nhập tốt, làm việc văn phòng, sẵn sàng hy sinh vì công ty, đã kết hôn và có hai con”.
Tuy nhiên, nhiều nam giới trung niên Nhật Bản đã thất nghiệp trong khủng hoảng kinh tế năm 1989. Trong vài thập niên gần đây, nam giới trung niên ở tầng lớp trung lưu đã đánh mất dần “sức mạnh văn hóa” của họ, trên truyền thông, các ossan lại mang hình tượng là không thú vị, nặng bụng và lạc hậu.
Ông Nishimoto cho biết mỗi ngày có khoảng 45 ossan được thuê. Hiện tại dịch vụ của ông Nishimoto có tới 80 “ông chú” làm việc ở 36 thành phố trên khắp Nhật Bản như Tokyo, Kyoto, Osaka và Tokushima. Các ossan cho thuê này vốn làm việc trong ngành kỹ thuật, du lịch, tài chính, nhân sự, nghiên cứu khoa học… Ông Nishimoto chia sẻ đã có tới 5.000 khách hàng thuê ông kể từ khi dịch vụ được thành lập năm 2012.
Ông Nishimoto cũng tiết lộ đã có 10.000 “ông chú” nộp đơn để làm người tư vấn nhưng chỉ có 78 người đạt được tiêu chuẩn để làm công việc. Theo ông Nishimoto, những người từng trải qua thời gian khó khăn thường được ưu tiên bởi họ có thể lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau của người khác.
Về phần mình, "ông chú cho thuê" Sasaki hy vọng dịch vụ cho thuê ossan có thể lan tỏa và bao gồm cả obasan – phụ nữ trung niên.
Nguồn: Cafef.vn
TAG :